Tùy vào từng vị trí mà bạn ứng tuyển hoặc tùy vào từng lĩnh vực, những thông tin cần đưa vào CV có thể khác nhau.
Tuy nhiên, đối với mẫu CV cho sinh viên chưa có kinh nghiệm, bạn có thể tham khảo những nội dung cần thiết dưới đây. Bạn nên nộp kèm 1 bản đơn xin việc, có rất nhiều mẫu đơn xin việc cho sinh viên chưa tốt nghiệp mà bạn có thể tìm kiếm ở trên Google, hoặc bạn có thể tham khảo ngay tại TopCV.
Giới thiệu bản thân trong CV
Đối với các mẫu CV xin việc cho sinh viên hay người đã có kinh nghiệm, giới thiệu bản thân luôn là phần bắt buộc nên có trong mỗi CV. Đây sẽ là phần giúp nhà tuyển dụng có thể liên lạc với bạn khi bạn được chọn vào vòng phỏng vấn trực tiếp.
Đối với phần giới thiệu bản thân trong CV cho người chưa có kinh nghiệm cần có:
• Họ tên
• Ngày tháng năm sinh/ Tuổi
• Địa chỉ, nơi sinh sống hiện tại
• Số điện thoại liên hệ
• Email
Mục tiêu nghề nghiệp
Mục tiêu nghề nghiệp chính là vị trí công việc hoặc đích đến mà bạn mong muốn, lộ trình bạn sẽ thực hiện để đạt được mục tiêu nghề nghiệp của mình.
Đối với CV cho sinh viên chưa tốt nghiệp, bạn cần thể hiện rõ ràng mục tiêu của bạn phù hợp với vị trí, công việc, lĩnh vực mà bạn đang ứng tuyển.
Ngoài ra, bạn cũng có thể thêm yếu tố “dài hạn” trong mục tiêu nghề nghiệp, bởi không doanh nghiệp/ công ty nào muốn tuyển những nhân sự chỉ làm việc một thời gian, sẽ tốn kém đến chi phí đào tạo và tuyển dụng của họ.
Ngoài ra, khi viết CV cho sinh viên chưa tốt nghiệp, tại phần mục tiêu nghề nghiệp, bạn có thể chia thành 2 phần là mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn.
• Mục tiêu ngắn hạn: Dự định, kế hoạch trong tương lai gần cho công việc của bạn.
• Mục tiêu dài hạn: Những đích đến lớn hơn, có tính quyết định cũng như có ảnh hưởng đến sự nghiệp trong tương lai của bạn.
Quá trình học vấn
Vì chưa có kinh nghiệm làm việc quá nhiều, nên khi viết CV cho sinh viên chưa tốt nghiệp, bạn cần lưu ý một số điều sau đây:
• Hãy để trình độ học vấn cao nhất ở đầu tiên. Các dòng tiếp theo sẽ theo thứ tự thời gian gần nhất đến xa nhất.
• Không cần thiết phải ghi thông tin về các cấp học là cấp 1, cấp 2. Bạn chỉ cần để thông tin từ đại học, cao đẳng, trung cấp,… Đối với cấp 3, bạn có thể để thông tin nếu đó là những trường nổi bật hoặc có những thông tin nổi bật liên quan đến cấp bậc này.
• Thành tích học tập là điều nhiều sinh viên thường quên ghi vào CV của mình. Nếu bạn có thành tích học tập tốt với điểm số cao, có các học bổng, giải thưởng, bằng khen,… hãy thêm vào CV để ghi điểm với nhà tuyển dụng.
• Một mẹo rất hay để CV của bạn ấn tượng với nhà tuyển dụng là bạn có thể chia nhỏ các phần về quá trình học vấn như chuyên môn, thành tích, chứng chỉ, giải thưởng,…
• Đối với những vị trí ứng tuyển không cùng chuyên môn với ngành học, bạn nên giảm bớt những kiến thức chuyên môn không liên quan, thêm thông tin về các khóa học mà bạn đã tham gia có liên quan đến lĩnh vực ứng tuyển.
Kinh nghiệm làm việc
Đối với CV cho sinh viên chưa tốt nghiệp thường sẽ không có nhiều thông tin về phần kinh nghiệm việc làm.
Tại mục này, bạn có thể liệt kê những công việc như:
• Hoạt động tình nguyện
• Các cộng đồng đã từng tham gia
• Các công việc part time đã từng làm: phát tờ rơi, giao hàng, nhân việc phục vụ,…
Các trình bày nên liệt kê từ công việc gần nhất đến công việc xa nhất, mỗi công việc chỉ nên để những kỹ năng liên quan đến vị trí, lĩnh vực đang ứng tuyển.
Kỹ năng
Với người đã đi làm hoặc có kinh nghiệm làm việc, kỹ năng sẽ là phần phụ giúp CV của bạn có thêm điểm cộng với nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, với CV cho sinh viên chưa tốt nghiệp, phần kỹ năng sẽ quan trọng hơn, có thể nói, ngoài học vấn thì kỹ năng sẽ ảnh hưởng phần lớn đến quyết định của nhà tuyển dụng.
Nếu bạn có các kỹ năng liên quan đến vị trí, lĩnh vực tuyển dụng thì đừng ngần ngại thêm vào CV như kỹ năng sử dụng các phần mềm thiết kế ảnh, chỉnh sửa video, kỹ năng viết content,… hoặc các kỹ năng mềm như kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm,…